Với mục đích đầu tư hiệu quả và sinh lời, các nhà đầu tư sẽ sử dụng các phương thức phân tích phù hợp với khả năng và nhu cầu bản thân. Phương pháp phân tích cơ bản trong chứng khoán là 1 trong 2 phương pháp phân tích phổ biến và hiệu quả được nhiều nhà đầu tư lựa chọn.
Phân tích cơ bản thị trường chứng khoán là gì?
Phân tích cơ bản (Fundamental analysis) là phương pháp đo lường giá trị nội tại của chứng khoán bằng cách kiểm tra các yếu tố có ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh và triển vọng phát triển của công ty trong tương lai. Các nhà phân tích cơ bản nghiên cứu bất cứ điều gì có thể ảnh hưởng đến giá trị của cổ phiếu, từ các yếu tố kinh tế vĩ mô như trạng thái của nền kinh tế và điều kiện ngành đến các yếu tố kinh tế vi mô như hiệu quả quản lý của công ty.
Nguyên tắc, hướng tiếp cận của phân tích cơ bản
Phân tích cơ bản liên quan đến các nhân tố tài chính, kinh doanh, triển vọng doanh nghiệp như doanh thu, lợi nhuận, nợ, thị phần, chất lượng quản lý…
Các yếu tố cơ bản có thể phân thành hai loại: định lượng và định tính.
- Định lượng: có thể đo lường được hoặc thể hiện bằng số, nguồn dữ liệu định lượng lớn nhất là báo cáo tài chính như lợi nhuận, tài sản.
- Định tính: dựa vào chất lượng hoặc tính chất của doah nghiệp, như chất lượng quản trị, thương hiệu, lợi thế cạnh tranh.
Định lượng kết hợp với định tính
Thông thường khi phân tích doanh nghiệp có cả phân tích định lượng và phân tích định tính.
Lấy ví dụ một Cổ Phiếu Vingroup.
Ta cần xem xét: xem xét tỷ lệ cổ tức, EPS, P/E… Đó là yếu tố định lượng.
Tuy nhiên, phân tích cổ phiếu VIC thì phải nói đến thương hiệu của Vingroup nữa (Thương hiệu là định tính).
Bất cứ công ty nào cũng có thể xây nhà, xây chung cư, dự án, nhưng chỉ có rất ít công ty được công nhận bởi hàng triệu người Việt Nam
Đặc điểm của phân tích cơ bản:
Mục tiêu của phân tích cơ bản (PTCB) là đánh giá được giá trị nội tại của chứng khoán, nhà đầu tư so sánh với giá hiện tại trên thị trường để xem liệu chứng khoán đó bị định giá thấp hay được định giá cao. Dựa vào đó nhà đầu tư quyết định mua vào hay bán ra cổ phiếu.
PTCB sử dụng các dữ liệu công khai của doanh nghiệp như: doanh thu, thu nhập, tăng trưởng trong tương lai, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, biên lợi nhuận và các dữ liệu khác để xác định giá trị cơ bản của công ty và tiềm năng phát triển trong tương lai.
Phương pháp PTCB trái ngược với phương pháp phân tích kỹ thuật – tập trung vào việc nghiên cứu giá cả chứng khoán và khối lượng giao dịch để đánh giá hướng đi của giá cổ phiếu đó.
Mối quan hệ giữa phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật
Phân tích cơ bản dựa trên lý thuyết giá thị trường của một tài sản có khuynh hướng di chuyển về phía “Giá trị thật” của nó. Giúp nhà đầu tư có thể nhận biết được xu hướng về giá của cổ phiếu.
Phân tích kỹ thuật là phương pháp dựa vào biểu đồ, đồ thị diễn biến giá cả và khối lượng giao dịch của cổ phiếu nhằm phân tích các biến động cung – cầu đối với cổ phiếu để chỉ ra cách ứng xử trước mắt, tức chỉ cho nhà phân tích thời điểm nên mua vào, bán ra hay giữ cổ phiếu trên thị trường.
Mặc dù có sự khác nhau cơ bản giữa hai phương pháp phân tích chính này, sự kết hợp giữa chúng lại trở thành công cụ đắc lực hỗ trợ các nhà đầu tư ra quyết định.
Thông thường, các quyết định của nhà đầu tư dựa trên PTCBnhưng việc xác định điểm vào và ra khỏi thị trường phụ thuộc vào các phân tích kĩ thuật
PTCB là nền tảng và không có sự xung đột với Phân tích kỹ thuật.
Phương pháp kỹ thuật khắc phục được một số hạn chế của Phân tích cơ bản như:
+ Khó tính chính xác giá trị nội tại
+ Bỏ qua vai trò của yếu tố tâm lý của các bên tham gia thị trường
+ Hạn chế xác định thời điểm ngắn hạn.
Ưu điểm và nhược điểm của phân tích cơ bản
- Ưu điểm
PTCB là phương pháp được dùng để hỗ trợ nhà đầu tư ra các quyết định đầu tư trong dài hạn.
PTCB giúp nhà đầu tư nhận định được các công ty tốt để đầu tư và đánh giá các yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của công ty và giá trị cổ phiếu.
- Nhược điểm:
Khi sử dụng phương pháp PTCB nhà đầu tư phải tiếp cận và xử lý một khối lượng lớn thông tin kinh tế và tài chính.
Mức độ chính xác của PTCB phụ thuộc vào tính chính xác của thông tin mà nhà đầu tư sử dụng. Bên cạnh đó, trong phân tích cơ bản có nhiều biến số phải tính đến và giá trị của các biến số này bị ảnh hưởng bởi yếu tố chủ quan.
Trên thị trường chứng khoán sẽ có nhiều yếu tố tác động mà chúng không thể lường trước và không thể được phát hiện ra khi phân tích kỹ thuật. Việc sử dụng phân tích kỹ thuật hoặc phân tích cơ bản không đảm bảo sẽ đem lại hiệu quả 100% cho các chiến lược đầu tư.
Bởi vậy. các nhà đầu tư cần có một chiến lược quản lý rủi ro để hạn chế tác động của các biến động bất lợi tác động tới danh mục đầu tư của mình.